Hội họa Thượng Phục Hưng

Các bức vẽ của thời kỳ Thượng Phục Hưng là đỉnh cao của sự đa dạng về phương cách biểu lộ diễn đạt[13] và nhiều tiến bộ trong kỹ thuật vẽ, như phối cảnh tuyến tính,[14] các cách tả thực về cả phương diện vật chất[15] và tính năng tâm lý,[16] cũng như kỹ xảo điều phối ánh sáng và bóng tối bao gồm cả tương phản về tông màu, kỹ năng sfumato (làm mềm sự chuyển dịch giữa các màu sắc) và thuật chiaroscuro (sử dụng thuật tương phản để phối hợp sáng và tối),[17] trong một phong cách duy nhất[18] tạo nên tổng thể các thành phần trong một thể trật tự, cân bằng và hòa hợp.[19] Cụ thể, từng phần mảng riêng biệt của bức tranh có sự phức tạp nhưng cân bằng và tạo nên một mối quan hệ đan kết khăng khít với tổng thể toàn cảnh.[20]

Nàng Mona Lisa hoặc La Gioconda của Leonardo da Vinci (1503–05/07) trong bảo tàng Louvre tại Paris.

Hội họa thời kỳ Thượng Phục Hưng được coi là đỉnh cao tuyệt đối của hội họa phương Tây[21] và đạt được sự cân bằng và hoàn mỹ, hài hòa giữa các điểm vẽ mâu thuẫn và dường như đối chọi lẫn nhau, chẳng hạn như thực tế so với lý tưởng, chuyển động so với tĩnh yên, tự do so với luật lệ, không gian so với mặt phẳng, và đường thẳng so với màu sắc.[22] Thời kỳ Thượng Phục Hưng theo truyền thống được xem như một sự bùng nổ lớn của thiên tài sáng tạo, theo mô hình lịch sử nghệ thuật do Giorgio Vasari người Firenze đề xuất đầu tiên.

Các bức tranh ở Vatican của MichelangeloRaffaello được một số học giả như Stephen Freedberg cho rằng là những đại diện cho đỉnh cao của phong cách Thượng Phục Hưng trong hội họa, vì quy mô đầy tham vọng của những tác phẩm này, cùng với sự phức tạp trong bố cục của chúng, những hình người được quan sát chặt chẽ, cũng như các tham chiếu biểu tượng điểm xuyết và trang trí liên quan đến thời cổ đại cổ điển Hy-La, có thể được coi là biểu tượng của thời Thượng Phục Hưng.[23]

Ngay cả những họa sĩ có danh tiếng tương đối thấp hơn trong thời kỳ này, chẳng hạn như Fra Bartolomeo và Mariotto Albertinelli, đã tạo ra những tác phẩm vẫn được ca ngợi vì sự hài hòa giữa thiết kế và kỹ thuật của họ. Tỷ lệ kéo dài và tư thế phóng đại trong các tác phẩm sau của Michelangelo, Andrea del SartoCorreggio đã định hình nên trước cái gọi là Trường phái kiểu cách, như phong cách của thời kỳ Phục Hưng sau này được nhắc đến trong lịch sử nghệ thuật.

Mẫu thức thanh thản và màu sắc tươi sáng trong các bức tranh của GiorgioneTiziano thời kỳ đầu thể hiện phong cách Thượng Phục Hưng được thực hiện tại Venezia. Các tác phẩm dễ nhận biết khác của thời kỳ này bao gồm Mona Lisa của Leonardo da VinciTrường Athena của Raffaello. Bích họa này của Raffaello được đặt bên dưới một mái vòm bán nguyệt, là một tác phẩm điêu luyện về phối cảnh, bố cục và cách nhìn.

Trong những năm gần đây, các nhà sử học nghệ thuật đã mô tả thời kỳ Thượng Phục Hưng là một phong trào chống lại thời đại đương thời, một trong số nhiều thái độ thử nghiệm khác nhau đối với nghệ thuật vào cuối thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16. Phong trào này có nhiều đặc điểm khác nhau như bảo thủ,[24] phản ánh thái độ mới đối với cái đẹp,[25] là một quá trình có chủ ý tổng hợp các mô hình chiết trung, liên kết với thời trang trong văn hóa văn học,[26] và phản ánh mối bận tâm mới về việc giải thích và ý nghĩa.[27]

Đức Mẹ sầu bi của Michelangelo, 1498–99.